Không gian ngầm là một dạng tài nguyên quý báu cần được khai thác để trở thành "không gian thứ 2 của đô thị hiện đại”. Đó là nội dung cuộc hội thảo vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Hội thảo do Tổng hội Xây dựng VN phối hợp với Bộ Xây dựng; Bộ GTVT; UBND TP Hồ Chí Minh và Hội Không gian ngầm & Hầm quốc tế (ITA-AITES) tổ chức.
Dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, cùng đại diện của một số địa phương, lãnh đạo các Hiệp hội chuyên ngành trong nước, quốc tế và đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình ngầm...
Không gian ngầm - một dạng tài nguyên quý báu cần được khai thác
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông: Phát triển không gian ngầm đang giữ vai trò chiến lược khi không gian trên cao đang gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các đô thị cũ không còn nhiều quỹ đất. Thậm chí, có một số công trình giao thông ngầm đô thị mà hệ thống giao thông mặt đất không thể nào thay thế được. Quy hoạch không gian ngầm ở nước ta vẫn còn là vấn đề mới mẻ, đang gặp nhiều khó khăn trong quản lý, quy hoạch và khai thác. Các gara, bãi đỗ xe ngầm mới chỉ được xây dựng gắn liền với tòa nhà chứ chưa có công trình bãi đỗ xe ngầm công cộng. Các tuyến đường sắt đô thị có đoạn đi ngầm ở Hà Nội và TP.HCM mới được triển khai nhưng còn chậm tiến độ. Nguyên nhân chính là thiếu khung pháp lý, cơ chế phối hợp và nguồn nhân lực cần thiết. |
Những ai quan tâm đến hệ thống giao thông đô thị ở VN đều biết việc khai thác không gian ngầm là vô cùng quan trọng, chia sẻ với mặt đất ngày càng hạn hẹp. Khai thác không gian ngầm ở VN mặc dù mới bắt đầu nhưng đã bộc lộ nhiều bất cập.
Vì vậy tại Hội thảo, hầu hết ý kiến của các chuyên gia đều khẳng định không gian ngầm là một dạng tài nguyên quý báu cần được tích cực khai thác để trở thành "không gian thứ 2 của đô thị hiện đại”, nhưng mỗi ngành, mỗi đơn vị khi tiến hành “ngầm hóa” các công trình đều phải tính đến sự kết nối với nhau.
Theo Tổng hội Xây dựng VN, trong khi quỹ đất ngày càng thu hẹp thì xu hướng phát triển không gian ngầm giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của các đô thị, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng...
Theo các chuyên gia, việc khai thác không gian ngầm phải được đưa vào chiến lược, quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, đồng thời với việc xây dựng khung pháp lý và thể chế thực hiện tương ứng. Riêng đối với TP Hồ Chí Minh, một đô thị với dân số lên đến gần 10 triệu người thì việc khai thác không gian ngầm nhằm chia tải với mặt đất càng trở nên cấp thiết.
Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã có một số công trình ngầm như hầm vượt sông Sài Gòn và nhiều hầm ngầm của các cao ốc, hầm chui ngang đường và sắp tới là gần 60km metro của tuyến đường sắt đô thị đầu tiên sẽ đi ngầm đầu tiên... Và việc lập quy hoạch không gian ngầm đang được các sở, ngành chức năng của TP Hồ Chí Minh bắt tay vào thực hiện. Tuy nhiên, tốc độ xây dựng các công trình ngầm còn chậm so với yêu cầu, nhiều công trình còn bộc lộ những hạn chế. Một số công trình ngầm (xây dựng tầng hầm nhà cao tầng) đã có sự cố như hư hỏng, sụt lún, nứt gãy...
“Cần phải đưa không gian ngầm vào chiến lược phát triển đô thị”
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị: Phát triển không gian ngầm hợp lý sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cải thiện cảnh quan, giải quyết được ùn tắc giao thông. Trong chiến lược phát triển đô thị, Nhà nước và các cơ quan quản lý cũng nên có những chính sách khuyến khích các nhà đầu tư trong lĩnh vực này như miễn phí sử dụng đất ngầm; hỗ trợ cung cấp các thông số kỹ thuật, các nghiên cứu cần thiết về việc xây dựng không gian ngầm tại địa bàn đầu tư... |
Sự đông đúc của các “cư dân ngầm” đặt ra cho thành phố nhiệm vụ phải sớm thực hiện được quy hoạch không gian ngầm. Khai thác không gian ngầm là giải pháp thích hợp để tăng diện tích xây dựng nhằm nâng cao mật độ đô thị mà vẫn đảm bảo giao thông thông suốt, cung ứng đầy đủ nhà ở và các dịch vụ công cộng, góp phần phát triển đô thị bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Để đạt được mục đích đó, song song với áp dụng và phát triển công nghệ tiên tiến trong xây dựng công trình ngầm thì đồng thời phải bổ sung chủ đề không gian ngầm vào chiến lược, quy hoạch và quản lý phát triển đô thị và xây dựng khung pháp lý và thể chế tương ứng. Khai thác không gian ngầm đô thị có những đặc điểm khác biệt hoàn toàn so với không gian trên mặt đất và trên cao, đòi hỏi không chỉ phải có thêm những hiểu biết nhất định về kỹ thuật mà còn phải có một hệ thống quản lý tốt, cùng với những cơ chế phối hợp chặt chẽ mới đảm bảo cho việc xây dựng và sử dụng không gian ngầm đô thị hiệu quả, bền vững.
Giao thông ngầm đô thị là những công trình ngầm có quy mô lớn, chi phí xây dựng cao nhưng đem lại những hiệu quả rất lớn mà hệ thống giao thông mặt đất, trên cao không thể thay thế được, đặc biệt là đối với các đô thị không còn nhiều quỹ đất. Phát triển giao thông ngầm đô thị của chúng ta so với thế giới vẫn là mới mẻ, hiện mới chỉ bắt đầu và đang gặp nhiều khó khăn trong các vấn đề quản lý, quy hoạch và khai thác. Các công trình hầm đường bộ Kim Liên, hầm chui ở Đại lộ Thăng Long, hầm vượt sông Sài Sòn đã hoàn thành đưa vào khai thác và bước đầu đã cho thấy hiệu quả cao, giải quyết được ùn tắc giao thông cục bộ.
Hệ thống hầm đi bộ qua đường ở Hà Nội đã được xây dựng tại 18 vị trí, nhưng chỉ có 3 vị trí trong nội thành được sử dụng nhiều, còn 15 vị trí trên vành đai 3 chưa có nhiều người dùng, thậm chí phải đóng cửa (do đường vành đai 3 vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện). Các gara, bãi đỗ xe ngầm chỉ mới được xây dựng gắn liền với tầng hầm tòa nhà, chứ chưa có bãi đỗ xe ngầm công cộng riêng biệt nào được đầu tư xây dựng. Các tuyến đường sắt đô thị (có đoạn đi ngầm) số 2, số 3 ở Hà Nội và tuyến số 1, số 2 ở thành phố Hồ Chí Minh mới đang được triển khai, là mong mỏi của nhân dân và kỳ vọng giải quyết ùn tắc giao thông nhưng đang có xu hướng chậm tiến độ, cơ chế quản lý vận hành còn đang trong giai đoạn xây dựng. Những tồn tại nêu trên có nhiều nguyên nhân, ngoài khó khăn về vốn thì các nguyên nhân cơ bản là thiếu khung pháp lý, thiếu cơ chế phối hợp và thiếu hụt nguồn nhân lực cần thiết.
Trong các luật ban hành gần đây, phát triển giao thông ngầm đô thị nói riêng và không gian ngầm đô thị nói chung đã được đề cập nhưng chưa đủ, chưa thống nhất và chưa chi tiết. Khung pháp lý quan trọng nhất về đất đai là Luật Đất đai lại chưa đề cập cụ thể tới quản lý, khai thác không gian ngầm đô thị (trong lòng đất). Các khung pháp lý có liên quan khác cũng chưa đề cập hoặc chưa đề cập rõ ràng, chặt chẽ tới phát triển không gian ngầm đô thị, cần phải bổ sung như khung pháp lý về quản lý, về quy hoạch, về tài chính. Sự chưa đầy đủ của khung pháp lý về quản lý khiến cho hệ thống công trình ngầm hiện nay đang được quản lý riêng theo từng ngành, chưa có sự phối hợp quản lý, thậm chí riêng từng ngành cũng chưa được quản lý có hệ thống nên trên thực tế là các đô thị lớn của chúng ta chưa có một sơ sở dữ liệu chia sẻ về công trình ngầm và không gian ngầm đô thị.
Tại Hội thảo, TS Nguyễn Hoàng Giang, Viện Nền móng và Công trình ngầm FECON đã đưa ra những rủi ro trong xây dựng công trình ngầm. Theo ông, trong những năm tới, việc TP Hồ Chí Minh và Hà Nội xây hệ thống tàu điện ngầm, bãi giữ xe ngầm đặt ra thách thức lớn cần phải nghiên cứu, đánh giá các rủi ro và đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp.
Kết thúc hội thảo, các đại biểu đều khẳng định, việc phát triển không gian ngầm là xu thế tất yếu của phát triển đô thị trong thế kỷ 21. Vì vậy, cần thiết phải có quy hoạch không gian ngầm, có cơ quan quản lý thống nhất và đặc biệt phải nhanh chóng tập hợp các dữ liệu về hệ thống công trình ngầm tại các đô thị để phục vụ việc đầu tư khai thác không gian ngầm. Trong định hướng phát triển, các đô thị cấp 1 và cấp 2 của VN cần thiết phải tính đến quy hoạch không gian ngầm.
TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN: Xu hướng đô thị hóa theo hướng phát triển mật độ dân cư trên diện tích hiện có, tiết kiệm đất, không mở rộng diện tích đô thị là xu hướng tăng trưởng thông minh. Những đô thị phát triển theo mô hình này gọi là đô thị nén. Theo quy hoạch, đến năm 2025 dân số ở đô thị VN tăng hai lần và diện tích đô thị tăng bốn lần, tức đến thời điểm đó toàn lãnh thổ VN mất thêm 300.000ha đất ruộng để phát triển đô thị. Trong khi đó, do biến đổi khí hậu, VN đã mất đi rất nhiều diện tích đất nông nghiệp nên cần thiết phải hạn chế diện tích đô thị hóa để giữ đất nông nghiệp. Muốn vậy, các đô thị VN phải khai thác hiệu quả không gian ngầm để tăng diện tích sử dụng, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị trong tương lai... Ông Lưu Đức Hải - Cục trưởng Cục phát triển đô thị, Bộ Xây dựng: Công tác quy hoạch hệ thống giao thông ngầm phải được đặt ở vị trí đặc biệt, bởi nó là mấu chốt cho việc kết nối và chi phối hạ tầng không gian ngầm. Ngoài ra mức độ đầu tư lớn cho các công trình đòi hỏi Nhà nước cần có chiến lược đi trước một bước, bỏ kinh phí để nghiên cứu, lập quy hoạch tạo điều kiện cho không gian ngầm phát triển. Bên cạnh đó, Nhà nước nên có những chính sách tạo điều kiện cho các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực có liên quan đến các công trình ngầm tại VN có điều kiện kết hợp với các chuyên gia nước ngoài nghiên cứu ứng dụng phù hợp với điều kiện cụ thể VN cũng là điều cần làm ngay. |
- CÔNG NGHỆ CỌC XI MĂNG ĐẤT CÓ CỐT CỨNG (22.08.2018)
- Hội thảo khoa học: CÔNG NGHỆ MỚI TRONG XÂY DỰNG MÓNG CỌC (22.08.2018)
- Công ty Phú Sỹ tham gia gói thầu XL7-TP4 và XL8-TP4 dự án kênh Tân Hóa - Lò Gốm (22.08.2018)
- Công ty Phú Sỹ trúng thầu thi công kè Khu TT Thương mại Bình Điền (31/08/2012) (22.08.2018)
- Cuối 2013, hoàn thành đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải (22.08.2018)
- Tổ chức Hội thảo (22.08.2018)
- Lễ Khởi công xây dựng Khu vui chơi giải trí Tuyên Sơn – 21/11/2012 (22.08.2018)
- Hội nghị Khoa học và Công nghệ - Triển lãm lần thứ 13 (22.08.2018)
- Cung cấp, sửa chữa, lắp đặt thiết bị thi công cọc XMĐ, cọc BTLT (01.01.1970)
- Công nghệ thi công cọc CFA (01.01.1970)