Phát triển đô thị cả bề rộng lẫn bề sâu

Phát triển đô thị cả bề rộng lẫn bề sâu

Phát triển đô thị cả bề rộng lẫn bề sâu

Phát triển đô thị cả bề rộng lẫn bề sâu

Phát triển đô thị cả bề rộng lẫn bề sâu

Khai thác không gian ngầm (KGN) là giải pháp thích hợp để tăng diện tích xây dựng nhằm nâng cao mật độ đô thị mà vẫn đảm bảo giao thông thông suốt, cung ứng đầy đủ nhà ở và các dịch vụ công cộng, góp phần phát triển đô thị bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Khai thác KGN phục vụ phát triển đô thị

Ở nước ta, KGN đô thị chỉ mới được quan tâm khi có các dự án hầm vượt cho người đi bộ, hầm đỗ xe, hầm vượt cho xe cơ giới qua nút giao cắt, và hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn dài 1.490m cho 6 làn xe. Gần đây, quy hoạch KGN mới trở nên tương đối cấp bách đối với Hà Nội và TP.HCM trong bối cảnh cần triển khai các dự án hầm đỗ xe, nhất là dự án phát triển tàu điện ngầm, và đáp ứng nhu cầu cải tạo khu thương mại trung tâm mà vẫn bảo tồn được cảnh quan đặc sắc vốn có.

Do chủ đề này còn quá mới mẻ nên mỗi khi gặp phải vấn đề phát triển KGN cụ thể, chẳng hạn hầm đỗ xe, hầm bộ hành kết nối khách sạn với ga tàu điện ngầm, siêu thị ngầm… thì các chuyên gia quy hoạch và chính quyền các đô thị còn gặp nhiều lúng túng, thậm chí còn nghi kỵ. Trong nhận thức của nhiều người thì công trình ngầm đô thị thuộc loại cá biệt, tốn kém, đòi hỏi kỹ thuật đặc thù, vượt quá khả năng tài chính và công nghệ hiện tại của các đô thị, nhất là khi có vài tiền lệ không thành công như hầm bộ hành bỏ hoang, siêu thị ngầm bị ngập nước… Ngay loại hình hào/hầm kỹ thuật vốn đã là công trình hạ tầng quen thuộc đối với đô thị các nước nhưng vẫn còn khá xa lạ đối với đô thị nước ta!

Quy hoạch KGN đô thị

Không phải đô thị nào cũng cần phải có quy hoạch tổng thể KGN, vì điều đó còn phụ thuộc vào tiềm năng kinh tế quốc gia và quy mô dân số đô thị, chẳng hạn đô thị trên 1 triệu dân mới cần có tàu điện ngầm, hoặc Nhật Bản chỉ yêu cầu đô thị có từ 30 vạn dân (vùng có tuyết thì từ 10 vạn dân) trở lên mới cần phát triển KGN.

Khi làm quy hoạch KGN, cần nắm vững các đặc điểm có liên quan của từng loại công trình ngầm như: Hạ tầng thị chính, giao thông, dân dụng, công nghiệp…

Do cách sử dụng đất không giống nhau nên không gian đô thị trên mặt đất và dưới mặt đất được quy hoạch với nội dung và phương pháp luận rất khác nhau. Khi lập quy hoạch tổng thể KGN, cần chú ý: Việc sử dụng KGN là không thể đảo ngược: Khi đã sử dụng, đất đai không thể trở lại trạng thái ban đầu. Sự tồn tại của công trình có trước sẽ ảnh hưởng đến việc sử dụng của các công trình có sau ở gần đó. Các quốc gia và khu vực cần đưa ra các chuẩn tắc, tiêu chuẩn và phân loại nhằm xác định quyền ưu tiên sử dụng KGN, xử lý tốt các mâu thuẫn có thể phát sinh trong sử dụng, và dành không gian dự bị cho nhu cầu sử dụng quan trọng hơn trong tương lai.

Không gian ngầm ngày càng trở thành “không gian thứ hai của đô thị”. Việc phát triển và sử dụng chúng phải có quy hoạch nghiêm túc để không hủy hoại và lãng phí loại tài nguyên này.

Không gian ngầm được khai thác tại nhiều cốt ngầm khác nhau, hình thành các lớp ngầm (layers). Có nhiều cách phân lớp khác nhau, chẳng hạn phân thành 3 lớp theo phương án: 1. Lớp ngầm nông, từ mặt đất tới -12m: Đường dây, đường ống, hầm kỹ thuật, đường ngầm, gara, ga tàu điện, khu công cộng và thương mại; 2. Lớp ngầm vừa, từ -12m đến -30m: Đường tàu điện, đường bộ, kho tàng, công trình công cộng đặc biệt, hầm kỹ thuật cấp đô thị; 3. Lớp ngầm sâu, >30m: Đường tầu điện, ga hành khách, sông ngầm, công trình đặc thù. Có tác giả lại phân thành 4 lớp là: 1. Lớp ngầm nông (0-15m), hiện đang có các công trình hạ tầng thị chính; 2. Lớp ngầm nông vừa (15 - 30m), dành cho phát triển ngắn hạn; 3. Lớp ngầm sâu vừa (30 - 50m), dành cho phát triển trong tương lai xa hơn; 4. Lớp ngầm sâu (50 - 100m), dành cho phát triển dài hạn. Như vậy, có thể thấy cần tiếp tục nghiên cứu vấn đề phân chia lớp ngầm để xác định quyền sử dụng ưu tiên cho những loại công trình nào thích hợp nhất.

Mục đích quy hoạch và các dạng bố cục KGN đô thị

Quy hoạch KGN đô thị thường nhằm các mục đích: Phát triển khu vực đô thị đã xây dựng ổn định mà vẫn bảo tồn được cảnh quan đô thị vốn có; Cải tạo KĐT cũ nhằm nâng cao mật độ đô thị (đô thị nén) nhưng vẫn bảo đảm được không gian xanh và không gian công cộng; Phát triển KĐTM đồng bộ các chức năng, đảm bảo chất lượng cuộc sống, nhất là tại các vùng khí hậu khắc nghiệt. Một số công trình cần đưa xuống ngầm vì tiện lợi, hoặc để không ảnh hưởng tới mỹ quan và làm ô nhiễm môi trường.

Không gian ngầm đô thị có 4 dạng bố cục chủ yếu: 1. KĐT ngầm tổng hợp (TP ngầm) tỏa ra trên diện tích rộng, như khu trung tâm ĐTM Tiền Giang ở Hàng Châu (Trung Quốc) với diện tích trên 23 vạn m2, bố trí theo dạng chữ thập ở độ sâu -30m, gắn với ga chuyển tiếp của tàu điện ngầm; 2. Đường phố ngầm, như Yaesu Chikagai thuộc khu Chuo ở Tokyo, Nhật Bản (7,3ha); 3. Công trình ngầm đặc thù riêng lẻ, như nhà máy xử lý nước thải Viikinmaki ở Helsinky (Phần Lan) ngay cạnh khu dân cư, hay đường hầm ở Kuala Lumpur (Malaysia) chứa được 3 triệu m3 để điều hòa nước mưa khi mưa lớn có thể gây lụt, nhưng lại thành đường cho ôtô chạy vào mùa khô hay khi mưa vừa; 4. Công trình ngầm dạng mạng hay tuyến, như hầm/hào kỹ thuật thị chính, hầm giao thông các loại.

Các quan điểm và nguyên tắc chỉ đạo

Trong quy hoạch KGN cần quán triệt các quan điểm chỉ đạo sau: Không gian ngầm phải kết hợp chặt chẽ với không gian đô thị trên mặt đất; Phải thận trọng khi phát triển KGN vì đó là quá trình không thể đảo ngược; Kết hợp sử dụng trong thời bình và khi có chiến tranh; Kết hợp nhu cầu trước mắt với tầm nhìn xa về sự phát triển của đô thị.

Do tính đặc thù của KGN đô thị nên trong quy hoạch cần tuân thủ các nguyên tắc chỉ đạo: Tận dụng tổng hợp theo chiều đứng và kết nối theo chiều ngang, cố gắng mở rộng hiệu quả biên (marginal efficiency) của KGN đô thị; Dành ưu tiên cho nhu cầu công cộng: Hạ tầng kỹ thuật, giao thông công cộng, dịch vụ công cộng; Phân kỳ đầu tư xây dựng, dành chỗ cho nhu cầu phát triển trong tương lai.

Không gian ngầm là một dạng tài nguyên quý báu cần được tích cực khai thác để trở thành không gian thứ hai của đô thị hiện đại. Để đạt được mục đích đó, song song với áp dụng và phát triển công nghệ tiên tiến trong xây dựng công trình ngầm thì đồng thời phải bổ sung chủ đề KGN vào chiến lược, quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, và xây dựng khung pháp lý và thể chế tương ứng.

Các chuyên gia cho rằng sau khi GDP đầu người đạt 500USD thì quốc gia đã có điều kiện phát triển không gian ngầm; khi đạt mức 1 nghìn USD thì bắt đầu đi vào giai đoạn quy hoạch và phát triển không gian ngầm đô thị; đạt tới 3 nghìn USD thì giá đất đô thị tăng cao nên việc phát triển không gian ngầm đô thị đã chín muồi và tiến tới cao trào.
TS Phạm Sỹ Liêm(Báo Xây dựng)